
THUẬN TÌNH LY HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Việc kết hôn với người nước ngoài ngày nay không còn hiếm gặp trong xã hội Việt Nam. Khi bước vào hôn nhân, ai cũng kỳ vọng về một cuộc sống hạnh phúc và gia đình êm ấm. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng như mong muốn, và mâu thuẫn là điều thường thấy ở nhiều cặp vợ chồng. Đặc biệt, với các cặp vợ chồng khác quốc tịch, sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục và thiếu sự đồng cảm dễ dẫn đến xung đột trong hôn nhân. Khi mối quan hệ không thể tiếp tục, ly hôn có thể là giải pháp phù hợp cho cả hai. Về mặt pháp lý, nếu vợ chồng đồng thuận chấm dứt quan hệ hôn nhân và thống nhất được về con cái cũng như tài sản, việc ly hôn sẽ được giải quyết dựa trên thỏa thuận đó. Thỏa thuận này đặc biệt quan trọng trong các vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài. Dưới đây là nội dung tư vấn của Phong & Partners về thủ tục thuận tình ly hôn có yếu tố nước ngoài.
1. Điều kiện để giải quyết ly hôn thuận tình là gì?
Theo Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Tòa án sẽ chấp thuận ly hôn khi: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Nói cách khác, sự tự nguyện của cả hai là yếu tố then chốt để Tòa án công nhận ly hôn thuận tình. Cụ thể, Tòa án sẽ xem xét 3 điều kiện sau:
- Cả hai bên cùng tự nguyện ly hôn và ký vào đơn ly hôn;
- Đã thỏa thuận được người nuôi con và mức cấp dưỡng, thỏa thuận này phải đảm bảo quyền lợi của các bên và con chung;
- Đã thống nhất được vấn đề phân chia tài sản, hoặc chưa thống nhất nhưng không yêu cầu Tòa án giải quyết. Trường hợp đã thỏa thuận được vấn đề tài sản và muốn Tòa án công nhận, có thể ghi rõ trong đơn để đề nghị Tòa án công nhận thỏa thuận.
2. Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài?
Căn cứ khoản 3 Điều 35 và Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết các vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt theo khoản 4 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, nếu việc ly hôn liên quan đến công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới và công dân nước láng giềng cũng cư trú ở khu vực biên giới giáp Việt Nam, thẩm quyền thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện.
3. Hồ sơ ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài như thế nào?
Hồ sơ cần chuẩn bị để thực hiện ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài bao gồm:
- Đơn đề nghị công nhận thuận tình ly hôn
- Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn
- Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu; Hộ khẩu (bản sao chứng thực)
- Bản sao Giấy khai sinh của con
- Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản)
- Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (nếu có)
Lưu ý: Nếu hôn nhân được đăng ký theo pháp luật nước ngoài và muốn ly hôn tại Việt Nam, Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn phải được hợp thức hóa lãnh sự và ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp trước khi nộp đơn ly hôn.
4. Các bước thực hiện thủ tục ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài
Quy trình ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài bao gồm các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Bước 2: Nộp lệ phí và thụ lý vụ việc
Trong 03 ngày làm việc sau khi nhận hồ sơ đầy đủ, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán xử lý. Nếu hồ sơ hợp lệ, Thẩm phán ra thông báo nộp lệ phí; trong 05 ngày làm việc, vợ chồng phải nộp lệ phí và gửi biên lai cho Tòa án.
Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý, các bên được thông báo về việc giải quyết yêu cầu công nhận ly hôn thuận tình.
Bước 3: Xét đơn và tổ chức phiên hòa giải
Trong vòng 01 tháng kể từ ngày thụ lý, Tòa án sẽ chuẩn bị xét đơn và mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Trong 15 ngày kể từ ngày thụ lý, Tòa án tổ chức phiên hòa giải theo quy định, nhằm giúp vợ chồng đoàn tụ và giải thích quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ với con, trách nhiệm cấp dưỡng.
Bước 4: Ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn
Sau phiên hòa giải, có 03 trường hợp có thể xảy ra, tùy vào tình hình thực tế giải quyết như sau:
- Nếu hòa giải thànhvà vợ chồng đoàn tụ thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn.
- Nếu hòa giải không thành, cả hai vẫn muốn ly hôn và đã thỏa thuận về tài sản, con cái, Tòa án ra quyết định công nhận ly hôn thuận tình. Quan hệ hôn nhân chấm dứt khi quyết định có hiệu lực pháp luật.
- Nếu không thỏa thuận được, Tòa án đình chỉ vụ việc dân sự về ly hôn thuận tình và chuyển thành thụ lý vụ án.
Sơ đồ: