NGUYÊN TẮC CHIA TÀI SẢN KHI LY HÔN

NGUYÊN TẮC CHIA TÀI SẢN KHI LY HÔN

 

Chia tài sản khi ly hôn là một trong những vấn đề quan trọng và phức tạp, nhất là trong trường hợp vợ chồng không thoả thuận được. Nếu thoả thuận được các vấn đề khi ly hôn (phân chia tài sản, quyền nuôi con, trách nhiệm trả nợ chung…), việc ly hôn sẽ thuận lợi, nhanh chóng và ít tốn chi phí. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Vậy, các nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn được quy định như thế nào?

1. Tài sản chung của vợ chồng là gì?

 

Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng được quy định như sau:

  • Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

  • Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
  • Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

2. Có các phương thức nào để chia tài sản chung khi ly hôn?

2.1. Phương thức tự thỏa thuận giữa vợ chồng

  1. Thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ghi nhận quyền tự do thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, tạo điều kiện cho các bên linh hoạt trong việc quản lý và phân chia tài sản. Theo đó, bên cạnh chế độ tài sản theo luật định, vợ chồng có thể lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận giúp vợ chồng chủ động xây dựng các quy tắc quản lý tài sản của mình trên cơ sở pháp luật cho phép.

Theo Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn dưới dạng văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản theo thỏa thuận có hiệu lực từ thời điểm đăng ký kết hôn. Điều 48 quy định nội dung chính của thỏa thuận bao gồm: xác định tài sản chung và tài sản riêng; quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản; các giao dịch liên quan; nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt hôn nhân. Nhờ vậy, thỏa thuận giúp giảm thiểu tranh chấp về tài sản khi ly hôn.

Trong trường hợp ly hôn, nếu vợ chồng đã có thỏa thuận về chế độ tài sản, Tòa án sẽ xem xét và áp dụng nội dung của văn bản thỏa thuận, trừ khi văn bản bị tuyên bố vô hiệu. Nếu thỏa thuận không rõ ràng hoặc có những vấn đề chưa được đề cập, Tòa án sẽ giải quyết theo chế độ tài sản theo luật định.

  1. Thỏa thuận phân chia tài sản khi ly hôn

Nếu vợ chồng thỏa thuận được về việc chia tài sản, nuôi con và ly hôn tự nguyện, Tòa án sẽ công nhận thuận tình ly hôn theo Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình. Ngược lại, nếu có tranh chấp hoặc thỏa thuận không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của vợ và con, Tòa án sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Quy định về thỏa thuận tài sản khi ly hôn mang lại nhiều lợi ích thực tiễn, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế tranh chấp. Pháp luật Việt Nam không chỉ thừa nhận mà còn khuyến khích vợ chồng thực hiện thỏa thuận này như một phương thức giải quyết linh hoạt và hiệu quả, góp phần đảm bảo sự ổn định và công bằng trong quan hệ hôn nhân.

Như vậy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng đề cao ý chí của các bên, quyền tự định đoạt của vợ chồng. Tuy nhiên, về nguyên tắc việc tự thỏa thuận này không được trái với những nguyên tắc mà pháp luật đã quy định để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên, nhất là của phụ nữ và con cũng như tránh sự lợi dụng những quy định này nhằm mục đích tư lợi, không lành mạnh của vợ chồng.

2.2. Phương thức yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

Mặc dù, pháp luật khuyến khích vợ chồng tự thỏa thuận khi chia tài sản chung, tuy nhiên, không phải lúc nào điều này cũng có thể thực hiện được. Đặc biệt khi hôn nhân đổ vỡ, mâu thuẫn có thể trở nên căng thẳng, khiến các bên khó đi đến thống nhất chung về một quyết định.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “…Nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại khoản 2,3,4,và 5 Điều này và tại các Điều 60,61,62,63, và 64 của Luật này.nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2,3,4 và 5 Điều này và tại các Điều 60,61,62,63 và 64 của Luật này để giải quyết”. Như vậy, nếu vợ chồng không thể tự thỏa thuận về tài sản hoặc thỏa thuận không rõ ràng, họ có thể yêu cầu Tòa án giải quyết để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mỗi bên. Khi giải quyết, Tòa án cũng phải tuân thủ những nguyên tắc và các trường hợp cụ thể quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

3. Chia tài sản chung khi ly hôn cần có những nguyên tắc gì?

3.1. ​​​​​​​Nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận của vợ chồng

Căn cứ khoản 1 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong việc phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn là sự thỏa thuận. Việc tài sản chung của vợ chồng được chia như thế nào phụ thuộc trước hết vào ý chí và sự tự nguyện của hai bên. Trong quá trình giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn, vợ chồng có quyền tự do thỏa thuận về việc chia một phần hoặc toàn bộ khối tài sản chung, miễn là sự thỏa thuận đó tuân thủ các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Sự đồng thuận và tự nguyện của vợ chồng luôn được pháp luật ghi nhận, bất kể họ lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận hay theo luật định. Tuy nhiên, nếu không đạt được thỏa thuận và có yêu cầu giải quyết, Tòa án sẽ xem xét và quyết định dựa trên chế độ tài sản áp dụng cho vợ chồng – theo thỏa thuận hay theo luật định – tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể như sau:

  • Nếu không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản hoặc văn bản thỏa thuận bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ, Tòa án sẽ áp dụng chế độ tài sản theo luật định để phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn;
  • Đối với những vấn đề mà vợ chồng không thỏa thuận, thỏa thuận không rõ ràng hoặc thỏa thuận bị vô hiệu, Tòa án sẽ áp dụng các quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 cùng các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật Hôn nhân và gia đình để giải quyết việc phân chia tài sản.

2. Nguyên tắc chia đôi

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

  • Thứ nhất, hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng

Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.

  • Thứ hai, công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung

Công sức đóng góp của vợ, chồng được xác định dựa trên sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động trong việc hình thành, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Trường hợp một bên thực hiện công việc nội trợ, chăm sóc con cái mà không trực tiếp tham gia lao động tạo thu nhập thì vẫn được xem là có đóng góp tương đương với bên còn lại. Nguyên tắc phân chia tài sản chung sẽ căn cứ vào mức độ đóng góp của mỗi bên, bên có đóng góp nhiều hơn có thể được chia phần tài sản lớn hơn.

  • Thứ ba, bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập

Việc phân chia tài sản chung phải bảo đảm quyền và điều kiện để mỗi bên tiếp tục hoạt động nghề nghiệp, sản xuất, kinh doanh nhằm tạo thu nhập sau khi ly hôn. Trường hợp một bên tiếp tục sử dụng tài sản có giá trị lớn hơn phần tài sản của bên kia, thì phải thực hiện thanh toán phần chênh lệch giá trị. Tuy nhiên, nguyên tắc này không được làm ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.

Ví dụ: Vợ chồng có tài sản chung là một chiếc xe buýt người chồng đang chạy trị giá 800 triệu đồng và một cửa hàng tạp hóa người vợ đang kinh doanh trị giá 200 triệu đồng. Khi giải quyết ly hôn và chia tài sản chung, Tòa án phải xem xét giao cửa hàng tạp hóa cho người vợ, giao xe buýt cho người chồng để họ tiếp tục kinh doanh, tạo thu nhập. Người chồng nhận được phần giá trị tài sản lớn hơn phải thanh toán cho người vợ phần giá trị là 300 triệu đồng.

  • Thứ tư, lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng

Tòa án sẽ xem xét yếu tố lỗi của vợ hoặc chồng trong việc vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản, dẫn đến ly hôn. Những hành vi vi phạm như bạo lực gia đình, ngoại tình, phá tán tài sản sẽ được cân nhắc khi chia tài sản chung để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị thiệt hại.

Ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, ngoại tình hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.

​​​​​​​3. Nguyên tắc phân chia tài sản chung bằng hiện vật

Khi áp dụng khoản 3 Điều 59 “Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch” để giải quyết việc phân chia tài sản, Tòa án sẽ ưu tiên việc giữ nguyên giá trị của các tài sản bằng cách phân chia theo hiện vật. Chỉ khi không thể phân chia được bằng hiện vật Tòa án mới thực hiện các biện pháp khác như bán đấu giá tài sản rồi phân chia hoặc một bên nhận tài sản và thanh toán phần chênh lệch cho bên còn lại.

Nguyên tắc này giúp Tòa án chủ động hơn trong việc phân chia tài sản, một vấn đề rất phức tạp trong thực tiễn xét xử.

​​​​​​​4. Nguyên tắc tài sản riêng của ai thuộc sở hữu của người đó

Tài sản riêng của từng người sẽ thuộc sở hữu của người đó, trừ khi đã được nhập vào tài sản chung. Nếu trong quá trình phân chia, có sự trộn lẫn giữa tài sản chung và tài sản riêng, bên không nhận tài sản sẽ được thanh toán phần giá trị mà họ đã đóng góp vào để hình thành tài sản đó, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

​​​​​​​​​​​​​​5. Nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình

Khoản 5 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 chỉ rõ nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống bản thân. Điều này bắt nguồn từ nguyên tắc cơ bản tại khoản 4 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật trong việc thực hiện các quyền liên quan đến hôn nhân và gia đình; hỗ trợ các bà mẹ thực hiện tốt vai trò cao quý của mình và thực hiện kế hoạch hóa gia đình”. Nguyên tắc này phản ánh chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời thể hiện sự chú trọng của Luật Hôn nhân và gia đình trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em.

Nguyên tắc này được đặt ra nhằm mục đích ngăn chặn tư duy và hành vi xem nhẹ vai trò của phụ nữ và con cái trong gia đình. Thực tế cho thấy, sau ly hôn, người vợ – thường được xem là phía yếu thế – cùng với con cái phải đối mặt với nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần trong việc ổn định và duy trì cuộc sống ổn định. Do đó, họ cần được bảo vệ và hỗ trợ đặc biệt. Việc thực hiện nguyên tắc này nhằm tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc, lao động và giảm thiểu tối đa những thiệt thòi, khó khăn mà họ phải gánh chịu sau những biến cố gia đình.

4. Một số lưu ý khi phân chia tài sản chung khi ly hôn.

​​​​​​​4.1. Phân chia tài sản khi vợ chồng sống chung với gia đình

Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình:

  • Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
  • Nếu vợ chồng ly hôn trong trường hợp đang sống chung với gia đình, tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung có thể xác định được thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn được phân tích tại Mục 3 bài viết này hoặc theo quy định tại Điều 59 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

4.2. Phân chia quyền sử dụng đất

Điều 62 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn như sau.

  • Trường hợp chia quyền sử dụng đất làm tài sản riêng: Theo quy định pháp luật về phân chia tài sản khi ly hôn, quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bên nào thì vẫn sẽ thuộc về bên đó sau khi ly hôn.
  • Trường hợp chia quyền sử dụng đất là tài sản chung
  • Đối với quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm và đất nuôi trồng thủy sản, nếu cả hai bên vợ, chồng đều có nhu cầu và đủ điều kiện tiếp tục sử dụng đất thì việc phân chia quyền sử dụng đất được thực hiện theo thỏa thuận của các bên khi ly hôn. Trường hợp không đạt được thỏa thuận, Tòa án sẽ giải quyết theo quy định pháp luật về phân chia tài sản khi ly hôn.

Trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và đáp ứng điều kiện trực tiếp sử dụng đất, quyền sử dụng đất sẽ được giao cho bên đó. Tuy nhiên, bên nhận quyền sử dụng đất có trách nhiệm thanh toán cho bên còn lại phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng theo quy định pháp luật.

  • Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo quy định trên.
  • Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp trồng rừng hay đất ở thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn sẽ được thực hiện theo Mục 3 bài viết này. Các loại đất khác được chia theo quy định của pháp luật về đất đai.
  • Trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà không có quyền sử dụng đất chung thì khi ly hôn, quyền lợi của bên không có quyền sử dụng đất nhưng tiếp tục sống chung với hộ gia đình sẽ được xác định theo Mục 4.1 bài viết này. 

4.3. Phân chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh

Theo Điều 64 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nếu vợ chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung thì sẽ có quyền được nhận tài sản đó và thanh toán lại cho bên kia phần giá trị tài sản tương ứng mà họ được hưởng, trừ trường hợp hay bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

5. Một số câu hỏi liên quan.

​​​​​​​(1). Tài sản chung của vợ chồng bao gồm những tài sản nào? Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó có được coi là tài sản chung không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung của vợ chồng.

  1. (2). Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có bị vô hiệu không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan;

b) Vi phạm một trong các quy định về nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng (Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình 2014), quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình (Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình 2014); giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng (Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình 2014); giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng (Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình 2014);

c) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.

Như vậy, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng CÓ THỂ bị Tòa án tuyên vô hiệu khi có điều khoản vi phạm pháp luật.

​​​​​​​(3). Tài sản được tạo lập bằng tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân thì có phải phân chia khi ly hôn?

Trả lời:

Tài sản được tạo lập bằng tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân không phải phân chia khi ly hôn nếu vẫn giữ nguyên là tài sản riêng, không nhập vào tài sản chung và không có sự đóng góp của vợ hoặc chồng còn lại. Tuy nhiên, nếu tài sản riêng này được sử dụng chung, hợp nhất vào tài sản chung hoặc có sự đóng góp của bên kia làm gia tăng giá trị, thì phần giá trị tăng thêm có thể được phân chia theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Do đó, việc xác định có phân chia hay không phụ thuộc vào cách quản lý, sử dụng tài sản trong thời kỳ hôn nhân.

 

Zalo