THỦ TỤC LY HÔN VỚI VIỆT KIỀU

THỦ TỤC LY HÔN VỚI VIỆT KIỀU

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, số lượng các vụ ly hôn có yếu tố Việt kiều đang có xu hướng gia tăng. Những trường hợp này thường kéo dài và gặp nhiều khó khăn do liên quan đến sự khác biệt về luật pháp giữa các quốc gia, thủ tục tố tụng phức tạp, cũng như vấn đề quyền nuôi con và phân chia tài sản xuyên biên giới. Bài viết “Thủ tục ly hôn với Việt kiều” sẽ cung cấp những thông tin về quy trình ly hôn với Việt kiều, từ các quy định pháp luật liên quan, cơ quan có thẩm quyền giải quyết đến thủ tục và hồ sơ cần chuẩn bị.

1. Ly hôn là gì?

Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ, chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Theo đó, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án công nhận hoặc quyết định bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật theo yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ, chồng.

Pháp luật quy định nghiêm cấm việc ly hôn giả tạo, lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.

2. Tính đặc thù của vụ ly hôn có Việt kiều là gì?

Việt kiều gồm 2 nhóm chính: Người còn quốc tịch Việt Nam, đang cư trú và sinh sống lâu dài ở nước ngoài; Người không còn quốc tịch Việt Nam nhưng nguồn gốc của họ có cha mẹ, ông bà tổ tiên là công dân Việt Nam, hiện đang cư trú và sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Do đó, vụ ly hôn có Việt kiều được xem là vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài. Mỗi nhóm đối tượng Việt kiều thuộc điều chỉnh của nhiều luật khác nhau nên mỗi vụ việc có thủ tục tố tụng, tính chất phức tạp khác nhau.

Những vụ Việt kiều ly hôn có tính đặc thù cao, bởi:

Thứ nhất, có nhiều khó khăn trong hoạt động uỷ thác tư pháp. Giải quyết vụ việc ly hôn có Việt kiều trong trường hợp đương sự ở nước ngoài thì hoạt động ủy thác tư pháp ra nước ngoài là vấn đề có tính chất quyết định trong việc đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, việc ủy thác tư pháp còn nhiều khó khăn, phức tạp, đặc biệt là trong hoạt động ủy thác tư pháp một số công việc như ghi lời khai, tống đạt giấy tờ, thu thập chứng cứ, xác minh địa chỉ, trưng cầu giám định.

Thứ hai, còn nhiều khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Trường hợp không có điều ước quốc tế, áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam trên thực tế gặp phải rất nhiều khó khăn. Nhiều vụ việc Tòa án Việt Nam xác định thuộc thẩm quyền và đưa ra phán quyết, nhưng do các quốc gia khác cho rằng thẩm quyền giải quyết cũng thuộc thẩm quyền của nước họ, điều này dẫn đến xung đột pháp luật giữa Việt Nam và các nước đó.

3. Cơ quan nào giải quyết ly hôn với Việt kiều?

Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với tranh chấp về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

  • Đối với trường hợp thuận tình ly hôn với Việt kiều, căn cứ Điểm h Khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ thuộc về tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn cư trú, làm việc.
  • Đối với trường hợp ly hôn đơn phương với Việt kiều, người yêu cầu ly hôn (nguyên đơn) phải nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn (tức người còn lại trong quan hệ hôn nhân) đang cư trú hoặc làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu tại thời điểm ly hôn, bị đơn không có mặt ở Việt Nam, nguyên đơn có thể nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản tại Việt Nam (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

Trong trường hợp bị đơn là Việt kiều không còn cư trú, làm việc và cũng không có tài sản tại Việt Nam, nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi mình đang cư trú hoặc làm việc giải quyết vụ việc ly hôn (theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

4. Hồ sơ ly hôn với Việt kiều gồm những gì?

4.1. Hồ sơ thuận tình ly hôn:

  • Đơn thuận tình ly hôn do hai vợ chồng cùng ký tên
  • Bản sao chứng thực hoặc bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
  • Bản sao chứng thực CCCD/hộ chiếu của hai vợ chồng
  • Bản sao chứng thực giấy khai sinh của con
  • Bản sao chứng thực các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung của vợ chồng như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất, đăng ký xe, sổ tiết kiệm ngân hàng...

4.2. Hồ sơ đơn phương ly hôn:

  • Đơn khởi kiện ly hôn
  • Bản sao chứng thực hoặc bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
  • Bản sao chứng thực CCCD/hộ chiếu của hai vợ chồng
  • Bản sao chứng thực giấy khai sinh của con
  • Bản sao chứng thực các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung của vợ chồng như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất, đăng ký xe, sổ tiết kiệm ngân hàng...
  • Giấy xác nhận cư trú của người bị kiện (vợ/ chồng).

5. Thủ tục ly hôn với Việt kiều gồm những bước nào?

5.1. Trình tự giải quyết ly hôn thuận tình với Việt kiều

  • Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

Chuẩn bị và nộp Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, tài liệu kèm theo tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh/thành phố nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc chồng.

  • Bước 2: Tòa án tiếp nhận và xử lý đơn

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán xem xét đơn yêu cầu. Nếu Đơn yêu cầu hoặc hồ sơ, tài liệu không hợp lệ hoặc không đầy đủ, Thẩm phán ra thông báo sửa đổi, bổ sung Đơn yêu cầu. Nếu Đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán ra thông báo nộp lệ phí.

  • Bước 3: Thụ lý vụ án

Sau khi đương sự nộp lệ phí Tòa án tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng lệ phí cho Tòa án, thẩm phán ra thông báo thụ lý đơn yêu cầu.

  • Bước 4: Phiên họp giải quyết việc dân sự

Tòa án triệu tập vợ chồng lên để giải quyết việc thuận tình ly hôn, hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, giải thích quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ với con về trách nhiệm cấp dưỡng.

  • Bước 5: Ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn

Tại phiên họp giải quyết việc dân sự, nếu hòa giải thành, vợ chồng sẽ đoàn tụ với nhau thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn của hai người. Nếu hòa giải không thành, vợ chồng vẫn muốn ly hôn thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật.

  • Bước 6: Kháng cáo

Vợ/chồng có quyền kháng cáo trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định. Trường hợp vợ/chồng không có mặt tại phiên họp giải quyết việc dân sự thì thời hạn kháng cáo là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.

Lưu ý đối với thủ tục thuận tình ly hôn, nếu trong quá trình giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn mà một bên thay đổi ý kiến, không ly hôn nữa hoặc có tranh chấp về nuôi con, cấp dưỡng, tài sản hoặc nợ chung thì Tòa án sẽ chuyển sang giải quyết vụ việc theo thủ tục đơn phương ly hôn.

5.2. Trình tự giải quyết đơn phương ly hôn thuận tình với Việt kiều

 

  • Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

Chuẩn bị và nộp Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, tài liệu kèm theo tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh/ thành phố nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc chồng.

  • Bước 2: Tòa án tiếp nhận và xử lý đơn

Trong thời hạn 08 ngày làm việc, Thẩm phán xem xét đơn và ra thông báo nộp tạm ứng án phí. Nếu Đơn khởi kiện hoặc hồ sơ, tài liệu không hợp lệ, không đầy đủ, Tòa án ra thông báo sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện yêu cầu.

  • Bước 3: Thụ lý vụ án

Sau khi đương sự nộp tạm ứng án phí Tòa án tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, thẩm phán ra thông báo thụ lý đơn vụ án. Thời hạn giải quyết vụ án đơn phương ly hôn thường tầm 4 tháng kể từ thời điểm Tòa án ra thông báo thụ lý, nếu vụ án ly hôn có tính chất phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì thời gian giải quyết là 6 tháng. Trong thực tế giải quyết vụ án ly hôn có thể ngắn hơn hoặc kéo dài hơn thời gian mà luật quy định tùy thuộc vào tính chất của từng vụ án.

  • Bước 4: Tổ chức phiên họp giao nhận, tiếp cận tài liệu chứng cứ và hòa giải

Tòa án tiến hành triệu tập lấy lời khai, tổ chức phiên họp giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định pháp luật tố tụng dân sự.

Trường hợp vụ án ly hôn có tranh chấp về nuôi con khi ly hôn, Thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến.

Nếu vợ chồng thỏa thuận được với nhau các vấn đề phải giải quyết thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải.

Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

  • Bước 5: Mở phiên tòa sơ thẩm giải quyết ly hôn đơn phương.

Trường hợp các bên hòa giải không thành, trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử ly hôn đơn phương. Trường hợp có lý do chính đáng, thời gian này có thể được gia hạn nhưng không quá 2 tháng.

  • Bước 6: Ra bản án về việc ly hôn

Sau khi kết thúc phiên toà, kết quả giải quyết yêu cầu đơn phương ly hôn sẽ được quyết định bằng bản án. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

  • Bước 7: Kháng cáo

Vợ/chồng có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Trường hợp vợ/chồng không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án thì thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án.

6. Ly hôn với Việt kiều mất bao lâu?

Thời gian giải quyết một vụ ly hôn có yếu tố Việt kiều phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hình thức ly hôn (thuận tình hay đơn phương), nơi cư trú của đương sự, sự hợp tác của các bên và các vấn đề liên quan như tranh chấp tài sản, quyền nuôi con, ủy thác tư pháp ra nước ngoài.

6.1. Thời gian giải quyết ly hôn thuận tình với Việt kiều

Thời gian giải quyết ly hôn thuận tình với Việt kiều phụ thuộc vào việc đương sự có đang cư trú tại Việt Nam hay không. Nếu cả hai vợ chồng cùng đồng thuận ly hôn, không có tranh chấp về tài sản hoặc quyền nuôi con, và một trong hai đang ở Việt Nam, thời gian giải quyết thường kéo dài từ 2 đến 4 tháng tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền.

Trong trường hợp một bên đang cư trú ở nước ngoài, tòa án cần thực hiện việc tống đạt giấy tờ và xác minh thông tin, đặc biệt nếu phải ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Quá trình này có thể làm kéo dài thời gian giải quyết lên đến 6 tháng hoặc hơn, tùy thuộc vào quy định pháp luật và thủ tục hành chính của quốc gia nơi đương sự cư trú. Nếu đương sự hợp tác tốt, cung cấp đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu, thời gian giải quyết có thể rút ngắn đáng kể.

6.2. Thời gian giải quyết đơn phương ly hôn với Việt kiều

Thời gian giải quyết đơn phương ly hôn với Việt kiều thường kéo dài hơn so với ly hôn thuận tình do có nhiều yếu tố phức tạp liên quan đến việc tống đạt giấy tờ, xác minh thông tin và ủy thác tư pháp.

Nếu bị đơn (người Việt kiều) đang cư trú tại Việt Nam, không cố tình né tránh hoặc không có tranh chấp phức tạp về tài sản và quyền nuôi con, thời gian giải quyết thường kéo dài từ 4 đến 6 tháng. Tuy nhiên, nếu bị đơn không hợp tác, cố tình trốn tránh hoặc không có mặt tại phiên tòa, tòa án có thể phải thực hiện các thủ tục thông báo và xét xử vắng mặt, làm thời gian kéo dài từ 6 đến 12 tháng.

Trong trường hợp bị đơn đang cư trú ở nước ngoài, tòa án cần thực hiện ủy thác tư pháp để tống đạt văn bản tố tụng. Nếu quốc gia nơi bị đơn cư trú có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam, quá trình này có thể mất từ 12 đến 18 tháng. Nếu không có hiệp định tương trợ, thời gian giải quyết có thể kéo dài đến 24 tháng hoặc hơn, tùy thuộc vào quy định của nước sở tại và mức độ hợp tác của bị đơn.

Ngoài ra, nếu vụ ly hôn có tranh chấp phức tạp về tài sản, quyền nuôi con hoặc nợ chung, quá trình giải quyết có thể kéo dài hơn 2 năm, đặc biệt nếu phải định giá tài sản, xét xử nhiều lần hoặc có kháng cáo. Để rút ngắn thời gian, nguyên đơn cần cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin về địa chỉ của bị đơn và hợp tác chặt chẽ với tòa án trong quá trình tố tụng.

7. Án phí ly hôn với Việt kiều là bao nhiêu?

7.1. Án phí ly hôn thuận tình với Việt kiều

 

Theo quy định tại Mục B về lệ phí Tòa án, phần Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì lệ phí Tòa án khi giải quyết yêu cầu công nhận ly hôn thuận tình, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn là 300.000 đồng. Cụ thể, vợ chồng có quyền thỏa thuận về việc nộp án phí. Nếu không đồng ý, mỗi người sẽ chịu một nửa (tức là mỗi người phải chịu 150.000 đồng).
Trường hợp được miễn hoặc không phải nộp lệ phí Tòa án thì người yêu cầu không phải nộp, cụ thể:

  • Cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo;
  • Người cao tuổi;
  • Người khuyết tật;
  • Người có công với cách mạng;
  • Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
  • Thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.

Lưu ý: Những người thuộc đối tượng được miễn lệ phí Tòa án cần có đơn cùng tài liệu chứng minh thuộc diện được miễn lệ phí Tòa án gửi tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định (nên gửi kèm với hồ sơ yêu cầu công nhận ly hôn thuận tình).

7.2. Án phí đơn phương ly hôn với Việt kiều

    1. Án phí sơ thẩm
  • Đối với tranh chấp hôn nhân và gia đình không có giá ngạch mức án phí sơ thẩm là 300.000 đồng.
  • Đối với tranh chấp hôn nhân và gia đình có giá ngạch, tùy giá trị tài sản, mức án phí phải nộp sẽ khác nhau. Mức án phí cụ thể quy định tại Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Theo đó, đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch, mức án phí:

(1). Từ 6.000.000 đồng trở xuống: 300.000 đồng

(2). Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 5% giá trị tài sản có tranh chấp

(3). Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng

(4). Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng

(5). Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng

(6). Từ trên 4.000.000.000 đồng: 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

    1. Án phí phúc thẩm:

Trường hợp bản án bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, mức án phí phúc thẩm là 300.000 đồng.

Ngoài án phí nêu trên, nếu cần ủy thác tư pháp ra nước ngoài (ví dụ: tống đạt giấy tờ cho bên đang ở nước ngoài), người nộp đơn phải chịu thêm lệ phí ủy thác tư pháp là 200.000 đồng (theo Điều 44 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14). Bên cạnh đó, có thể phát sinh chi phí thực tế như dịch thuật, công chứng, chuyển phát quốc tế, tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của tòa án và quốc gia nơi Việt kiều cư trú.

8. Câu hỏi liên quan đến ly hôn với Việt kiều

(1). Chồng tôi là Việt kiều Mỹ (đã thôi quốc tịch Việt Nam và đã có quốc tịch Mỹ) có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con ở Việt Nam sau khi ly hôn không?

Điều 129 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng áp dụng theo pháp luật nơi người yêu cầu cư trú. Do đó, nếu người mẹ là công dân Việt Nam yêu cầu Việt kiều Mỹ cấp dưỡng cho con, vụ việc sẽ được giải quyết theo pháp luật Việt Nam.

Theo Điều 58 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con sau ly hôn được thực hiện theo các Điều 81, 82, 83 và 84 của Luật này. Theo đó, Khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định như sau:“Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”. Đồng thời, theo quy định tại Khoản 1 Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình, cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Đối tượng được cấp dưỡng theo quy định tại Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình bao gồm: con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

Như vậy, dù chồng bạn là Việt kiều Mỹ, vẫn có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật Việt Nam về hôn nhân, gia đình.

(2). Ly hôn với Việt kiều khi không rõ địa chỉ cần làm gì?

Theo Điểm a Khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, nếu không xác định được nơi cư trú, làm việc của bị đơn, nguyên đơn có thể nộp hồ sơ ly hôn tại Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi có tài sản của bị đơn.

Theo Điều 10 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP, nếu bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ, Tòa án sẽ liên hệ với người thân thích trong nước. Nếu người này cố tình không cung cấp địa chỉ hoặc không thông báo cho bị đơn dù đã được yêu cầu hai lần, Tòa án sẽ xét xử vắng mặt theo thủ tục chung. Sau khi xét xử, bản án sẽ được gửi cho người thân thích của bị đơn và niêm yết công khai tại UBND xã nơi cư trú cuối cùng của bị đơn và nơi cư trú của người thân để đảm bảo quyền kháng cáo.

Như vậy, khi ly hôn với Việt kiều nhưng không rõ địa chỉ, người yêu cầu ly hôn có thể nộp đơn tại Tòa án nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc cuối cùng. Tòa án sẽ giải quyết theo Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP để đảm bảo quyền lợi của các bên.

(3). Vợ tôi là Việt kiều, nhưng chúng tôi kết hôn ở nước ngoài, tôi có thể đơn phương ly hôn ở Việt Nam không?

Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 quy định tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc ly hôn có nguyên đơn, bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các bên trong vụ việc ly hôn là người nước ngoài đang cư trú, làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Như vậy, công dân Việt Nam khi kết hôn ở nước ngoài hoàn toàn có thể yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương tại Việt Nam.

Quý khách có thể tìm hiểu thêm về HỆ THỐNG VĂN PHÒNG LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS  theo thông tin dưới đây:

LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS TẠI TP ĐÀ NẴNG

1. Luật sư Phong & Partners tại Hải Châu - Thanh Khê

Địa chỉ: Tầng 6 Toà nhà Thành Lợi, 249 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng.

Điện thoại: 02363.822.678 – 0905.102.425

2. Luật sư Phong & Partners tại Sơn Trà

Địa chỉ: 01 Đông Giang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng

Điện thoại: 0905.205.624

3. Luật sư Phong & Partners tại Liên Chiểu

Địa chỉ: 223 Nguyễn Sinh Sắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.

Điện thoại: 0961.283.093

4. Luật sư Phong & Partners tại Ngũ Hành Sơn

Địa chỉ: 01 Chu Cẩm Phong, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

Điện thoại: 0905.579.269

5. Luật sư Phong & Partners tại Cẩm Lệ - Hòa Vang

Địa chỉ: 346 Cách Mạng Tháng Tám, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng.

Điện thoại: 0901.955.099

LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS TẠI TP HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ: Tầng 9, Toà nhà K&M, số 33 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 0905.503.678 – 02822.125.678

Email: hcm@phong-partners.com - phongpartners.hcmc@gmail.com

LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS TẠI QUẢNG NAM

Địa chỉ: 63 Hoàng Diệu, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Điện thoại: 0905.794.678

LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS TẠI TÂY NGUYÊN

Địa chỉ: 05 Nguyễn Trường Tộ, phường Diên Hồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Điện thoại: 0901.955.099

Email: phongpartnerslaw@gmail.com - info@phong-partners.com

Website: https://phong-partners.com

Fanpage: https://www.facebook.com/phongpartnerslaw

https://www.facebook.com/phongpartnerslaw.hcmc

https://www.facebook.com/luatsugioinguhanhson

https://www.facebook.com/luatsusontra

https://www.facebook.com/luatsuquanlienchieu

https://www.facebook.com/LuatsuCamLe

https://www.facebook.com/luatsugioidienban

 

Zalo