NHÀ MUA TRƯỚC KHI KẾT HÔN NHƯNG GIẤY TỜ ĐƯỢC CẤP SAU, VẬY LY HÔN CÓ PHẢI CHIA TÀI SẢN KHÔNG?
Trước khi kết hôn, tôi đã mua một căn nhà, thanh toán 85% giá trị và nhận bàn giao. Sau khi kết hôn, tôi hoàn tất 15% còn lại và được cấp sổ đỏ đứng tên tôi. Hiện tại, do mâu thuẫn vợ chồng, chúng tôi quyết định ly hôn, nhưng chồng tôi yêu cầu chia nhà vì cho rằng đây là tài sản chung. Trong trường hợp này, chồng tôi có quyền yêu cầu chia nhà không? Tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
*Luật sư trả lời:
Câu chuyện về tài sản luôn là chủ đề gây nhiều phiền toái trong các gia đình, nhất là khi xảy ra việc ly hôn. Vì thế, trong các mối quan hệ gia đình, vợ chồng, nên có sự khéo léo nhưng rõ ràng để tránh xảy ra các rủi ro ảnh hưởng đến không những là vật chất mà còn là tình cảm. Đối với quan hệ vợ chồng, trường hợp như chị Vân hỏi, khi vợ có tài sản trước thời kỳ hôn nhân nhưng người chồng đòi chia tài sản thì giải quyết thế nào?
1. Việc chia tài sản khi ly hôn của chị Vân được xác định như thế nào?
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định mang tính nguyên tắc để xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng như sau:
“Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”
Như vậy, tài sản riêng của vợ, chồng là tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình thì tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật có thể bao gồm quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng, cụ thể:
“Điều 11. Tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật
1. Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
2. Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
3. Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.”
Trong trường hợp của chị Vân, việc ký hợp đồng mua bán căn nhà dự án đã làm phát sinh quyền tài sản của chị đối với tài sản hình thành trong tương lai là căn nhà dự án. Do vậy, nếu chị không nhập tài sản này vào khối tài sản chung của vợ, chồng sau khi kết hôn thì đây được xem là tài sản riêng của chị có trước khi kết hôn. Tuy nhiên, cần xem xét đến 15% còn lại được thanh toán cho chủ đầu tư dự án sau khi chị đã kết hôn.
“Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác”.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ, chồng khi ly hôn thì tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định.
Trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Vậy, đối với 15% thanh toán sau khi kết hôn, nếu chị không chứng minh được khoản tiền này là tài sản riêng của mình trong thời kỳ hôn nhân thì sẽ được xem là tài sản chung của vợ, chồng. Về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ, chồng khi ly hôn tại Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì chồng chị có quyền yêu cầu chia và có thể được hưởng một nửa đối với 15% thanh toán cho giá trị căn nhà.
2. Chị Vân cần làm gì để bảo vệ mình?
Để bảo vệ mình, khi tiến hành thủ tục ly hôn với chồng, chị Vân cần thu thập và cung cấp cho Tòa án các tài liệu chứng cứ sau để Tòa án có cơ sở xem xét giải quyết:
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh về việc ký hợp đồng mua bán căn nhà dự án.
- Hóa đơn, chứng từ thể hiện đã thanh toán 85% giá trị hợp đồng được thực hiện trước khi kết hôn.
- Giấy tờ xác nhận thu nhập, tài liệu chứng minh giá trị, công sức đóng góp của chị đối với phần thanh toán 15% giá trị hợp đồng còn lại.
- Ý kiến nhân chứng (nếu có).
Bài Viết Nhiều Người Xem
Tin tức liên quan
CÓ ĐƯỢC BÁN NHÀ MÀ KHÔNG CÓ CẦN SỰ ĐỒNG Ý CỦA CHỒNG?
Chị Hoàng Diễm Q. hỏi: Tôi kết hôn năm 2019 và đến năm 2020 có mua một căn hộ chung cư tại quận X, giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ đứng tên tôi. Hiện tôi muốn bán căn hộ này để lấy vốn kinh doanh và mua một căn nhỏ hơn ở vùng ven. Tuy nhiên, khi làm thủ tục tại văn phòng công chứng, tôi bị từ chối với lý do cần có sự đồng ý của chồng. Xin hỏi, trong trường hợp này, tôi có bắt buộc phải có sự đồng ý của chồng khi chuyển nhượng căn hộ không? Rất mong được giải đáp.
CHỒNG CỜ BẠC VAY NỢ, KHI LY HÔN NGƯỜI VỢ CÓ NGHĨA VỤ TRẢ NỢ KHÔNG?
Trong cuộc sống hôn nhân, việc vay nợ là một khía cạnh phổ biến và không tránh khỏi. Có nhiều lý do khiến vợ chồng phải vay nợ, chẳng hạn như mua nhà, mua ô tô, đầu tư kinh doanh, trang trải chi phí hàng ngày, hoặc chi trả các khoản nợ khác. Vậy nếu một bên người chồng vay nợ thì khi ly hôn người vợ có nghĩa vụ trả nợ không?
KHI LY HÔN, VỢ, CHỒNG CÓ CHUYỂN NỢ CHO NHAU ĐƯỢC KHÔNG?
Tôi và chồng có khoản vay 500 triệu đồng tại ngân hàng, thế chấp bằng một bất động sản là tài sản chung. Khi ly hôn, chúng tôi thỏa thuận rằng tôi sẽ nhận căn nhà và tự chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ khoản nợ, chồng tôi không còn liên quan. Xin hỏi, thỏa thuận này có phù hợp với quy định pháp luật không? Vợ chồng tôi có thể tiến hành ly hôn khi khoản vay vẫn chưa được tất toán không?