
LUẬT SƯ LY HÔN CHO VIỆT KIỀU
Trong quan hệ hôn nhân, nếu kết hôn là điều bình thường thì ly hôn lại là hiện tượng bất thường, là mặt trái không thể tránh khỏi khi mối quan hệ đã tan vỡ và mục đích hôn nhân không còn đạt được. Gần đây, số vụ ly hôn tại Việt Nam tăng đáng kể, trong đó nhiều trường hợp liên quan đến Việt kiều. Ly hôn có yếu tố Việt kiều là vấn đề phức tạp, đòi hỏi thời gian và sự hỗ trợ pháp lý chuyên sâu. Do đó, việc lựa chọn luật sư ly hôn cho Việt kiều trở thành giải pháp tối ưu cho các bên, dù là Việt kiều hay người Việt trong nước.
1. Ly hôn được hiểu như thế nào?
Theo Khoản 4 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Nói cách khác, ly hôn là sự kết thúc quan hệ hôn nhân trước pháp luật, dựa trên sự tự nguyện của ít nhất một bên.
Cơ sở pháp lý để chấm dứt hôn nhân là bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cơ quan duy nhất có thẩm quyền ra phán quyết ly hôn. Nếu cả hai bên đồng thuận và thống nhất được các vấn đề liên quan (như tài sản, con cái) thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận ly hôn thuận tình. Ngược lại, nếu không thỏa thuận được, một bên có thể yêu cầu ly hôn đơn phương, và Tòa án sẽ ra phán quyết bằng bản án ly hôn.
2. Tính đặc thù của các vụ ly hôn có Việt kiều
Việt kiều bao gồm: (1) Người còn quốc tịch Việt Nam, sinh sống lâu dài ở nước ngoài; (2) Người gốc Việt (có cha mẹ, ông bà là công dân Việt Nam) nhưng đã mất quốc tịch Việt Nam, hiện cư trú ở nước ngoài. Do đó, ly hôn có yếu tố Việt kiều được xem là ly hôn có yếu tố nước ngoài, chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật khác nhau, dẫn đến tính phức tạp riêng biệt.
Đặc thù của ly hôn có Việt kiều:
- Khó khăn trong ủy thác tư pháp: Khi một bên ở nước ngoài, việc ủy thác tư pháp (ghi lời khai, tống đạt giấy tờ, thu thập chứng cứ, xác minh địa chỉ, trưng cầu giám định) trở thành yếu tố then chốt để xét xử. Tuy nhiên, quá trình này thường phức tạp, gặp nhiều trở ngại.
- Khó khăn trong áp dụng pháp luật: Trường hợp không có điều ước quốc tế, việc áp dụng pháp luật Việt Nam thường gặp nhiều khó khăn. Một số trường hợp Tòa án Việt Nam xác định thẩm quyền và ra phán quyết, nhưng các quốc gia khác cũng tuyên bố vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của họ, dẫn đến xung đột pháp luật giữa các quốc gia.
3. Thủ tục ly hôn với Việt kiều ra sao?
3.1 Hồ sơ ly hôn với Việt kiều
- Hồ sơ ly hôn thuận tình:
- Đơn thuận tình ly hôn do hai vợ chồng cùng ký tên
- Bản sao chứng thực hoặc bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
- Bản sao chứng thực CCCD/hộ chiếu của hai vợ chồng
- Bản sao chứng thực giấy khai sinh của con
- Bản sao chứng thực các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung của vợ chồng như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất, đăng ký xe, sổ tiết kiệm ngân hàng...
- Hồ sơ ly hôn đơn phương:
- Đơn khởi kiện ly hôn
- Bản sao chứng thực hoặc bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
- Bản sao chứng thực CCCD/hộ chiếu của hai vợ chồng
- Bản sao chứng thực giấy khai sinh của con
- Bản sao chứng thực các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung của vợ chồng như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất, đăng ký xe, sổ tiết kiệm ngân hàng...
- Giấy xác nhận cư trú của người bị kiện (vợ/ chồng).
3.2 Trình tự giải quyết ly hôn thuận tình với Việt kiều
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Nộp đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và tài liệu kèm theo tại Tòa án có thẩm quyền.
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý đơn
Trong vòng 03 ngày làm việc, Chánh án Tòa án sẽ chỉ định Thẩm phán xem xét đơn yêu cầu. Nếu đơn hoặc hồ sơ, tài liệu không hợp lệ hoặc còn thiếu, Thẩm phán sẽ phát thông báo yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung. Nếu đơn và tài liệu kèm theo đáp ứng đủ điều kiện thụ lý, Thẩm phán sẽ ban hành thông báo yêu cầu nộp lệ phí.
Bước 3: Thụ lý vụ việc
Sau khi nộp lệ phí tại Chi cục thi hành án và nộp lại biên lai tiền tạm ứng lệ phí cho Tòa án, Thẩm phán ra thông báo thụ lý đơn yêu cầu ly hôn.
Bước 4: Phiên họp giải quyết việc dân sự
Tòa án triệu tập hai bên để hòa giải, giải thích quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cũng như trách nhiệm với con chung sau ly hôn.
Bước 5: Ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn
Tại phiên họp giải quyết việc dân sự, nếu hòa giải thành và vợ chồng đoàn tụ thì Tòa án đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn. Trường hợp hòa giải không thành, nhưng hai bên đồng thuận được các vấn đề về tài sản và con chung thì Tòa án công nhận ly hôn thuận tình. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày quyết định công nhận này có hiệu lực pháp luật.
Lưu ý: Nếu một bên thay đổi ý định ly hôn hoặc có tranh chấp về tài sản hoặc con chung, vụ việc sẽ được Tòa án chuyển thành thụ lý vụ án ly hôn đơn phương.
3.3 Trình tự giải quyết ly hôn đơn phương với Việt kiều thế nào?
Bước1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Chuẩn bị và nộp đơn khởi kiện cùng các tài liệu liên quan tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi vợ chồng cư trú hoặc làm việc.
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý đơn
Trong 08 ngày làm việc, Thẩm phán ra thông báo nộp tạm ứng án phí nếu hồ sơ hợp lệ hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ.
Bước 3: Thụ lý vụ án
Sau khi nộp lệ phí tại Chi cục thi hành án và nộp lại biên lai tiền tạm ứng lệ phí cho Tòa án, Thẩm phán ra thông báo thụ lý vụ án. Thời gian giải quyết thường là 4 tháng, có thể lên 6 tháng nếu phức tạp kể từ thời điểm có thông báo thụ lý.
Bước 4: Tổ chức phiên họp giao nhận, tiếp cận tài liệu chứng cứ và hòa giải
Tòa án tiên hành triệu tập các bên để ghi lời khai, tổ chức phiên họp giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Trong trường hợp vụ ly hôn có tranh chấp về quyền nuôi con, Thẩm phán cần lấy ý kiến của trẻ chưa thành niên từ 7 tuổi trở lên. Nếu cần thiết, có thể mời đại diện từ cơ quan quản lý nhà nước về gia đình hoặc trẻ em tham dự để chứng kiến và đóng góp ý kiến.
Nếu hai bên vợ chồng đạt được sự đồng thuận về các vấn đề cần giải quyết, Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành và gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải.
Sau 07 ngày kể từ khi lập biên bản hòa giải thành, nếu không có bên nào thay đổi ý kiến về thỏa thuận, Thẩm phán chủ trì hòa giải hoặc Thẩm phán được Chánh án Tòa án chỉ định sẽ ban hành quyết định công nhận thỏa thuận đó.
Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định công nhận thỏa thuận, Tòa án phải gửi quyết định này đến các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
Bước 5: Mở phiên tòa xét xử sơ thẩm
Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử trong trường hợp các bên hòa giải không thành. Trong vòng 01 tháng kể từ quyết định đưa ra xét xử (có thể gia hạn tối đa 2 tháng), Tòa án mở phiên tòa xét xử ly hôn đơn phương.
Bước 6: Ra bản án
Kết quả giải quyết yêu cầu đơn phương ly hôn sẽ được quyết định bằng bản án sau khi kết thúc phiên toà. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
4. Vai trò của luật sư ly hôn cho Việt kiều
Luật sư hỗ trợ cung cấp các dịch vụ pháp lý, bao gồm nhưng không giới hạn các dịch vụ sau:
- Luật sư tư vấn ly hôn cho Việt kiều:
- Tư vấn căn cứ, điều kiện ly hôn, đưa ra lời khuyên pháp lý phù hợp cho khách hàng liên quan đến các quan hệ khi giải quyết việc ly hôn có Việt kiều: Quan hệ hôn nhân, con cái, tài sản.
- Tư vấn điều kiện, thủ tục thuận tình ly hôn, đơn phương ly hôn cho Việt kiều;
- Tư vấn các quy định pháp luật về quan hệ giữa cha mẹ và con: Tư vấn quyền nuôi con; quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau ly hôn; vấn đề cấp dưỡng; thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
- Tư vấn các quy định pháp luật về quan hệ tài sản của vợ chồng: nguyên tắc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn; thủ tục phân chia tài sản; thủ tục xác nhận tài sản chung riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
- Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi ly hôn có Việt kiều:
- Soạn thảo các văn bản ý kiến gửi toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp.
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản.
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến việc giành quyền nuôi con khi ly hôn; thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến việc xác định cha mẹ cho con hoặc con cho cha mẹ.
- Đại diện làm việc với các cơ quan liên quan để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
- Đại diện thực hiện các thủ tục thu thập, sao lục hồ sơ, chứng cứ phục vụ cho quá trình giải quyết tranh chấp.
5. Tiêu chí chọn luật sư ly hôn cho Việt kiều
Kết hôn cũng như ly hôn đều là những sự kiện quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Đặc biệt, ly hôn không chỉ ảnh hưởng đến hai cá nhân trực tiếp mà còn để lại nhiều hệ lụy cho gia đình hai bên, con cái và cả xã hội. Vì vậy, một luật sư tư vấn và hỗ trợ giải quyết ly hôn cần sở hữu nhiều phẩm chất thiết yếu:
- Có kinh nghiệm phong phú về đời sống hôn nhân, gia đình, xã hội;
- Thấu hiểu tâm lý;
- Có đạo đức nghề và đạo đức người;
- Am tường quy định pháp luật về hôn nhân gia đình và những quy định pháp luật liên quan trong nước và nước ngoài;
- Có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt;
- Có kỹ năng lắng nghe, nắm bắt tâm lý, trình bày, thuyết phục.
6. Chi phí thuê luật sư
Văn phòng Luật sư Phong & Partners đã được nhiều khách hàng, bao gồm cá nhân và tổ chức, tin tưởng và ủy thác trách nhiệm trong các lĩnh vực pháp lý đa dạng. Sở hữu đội ngũ luật sư có trình độ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm và không ngừng nghiên cứu, cập nhật kiến thức pháp luật, chúng tôi tự tin mang đến giải pháp hiệu quả cho các vấn đề pháp lý liên quan đến ly hôn có yếu tố Việt kiều.
Dựa trên mức độ phức tạp, quy mô của từng vụ việc và nhu cầu cụ thể của khách hàng, chúng tôi sẽ đánh giá để đề xuất mức phí dịch vụ hợp lý, đảm bảo sự minh bạch và rõ ràng trong mọi thỏa thuận.
Với phương châm hoạt động “UY TÍN – TẬN TÂM – CHUYÊN NGHIỆP”, Phong & Partners cam kết hỗ trợ và giải quyết các yêu cầu về ly hôn có yếu tố Việt kiều một cách tận tình, hiệu quả nhất cho Quý Khách hàng.