HỒ SƠ LY HÔN ĐƠN PHƯƠNG

HỒ SƠ LY HÔN ĐƠN PHƯƠNG

Khi mâu thuẫn vợ chồng trở nên nghiêm trọng; khi quan hệ vợ chồng không thể cứu vãn, các cặp vợ chồng mong muốn ly hôn để kết thúc tình trạng hiện tại và tìm cho mình cuộc sống mới. Để thực hiện thủ tục ly hôn đơn phương, người yêu cầu ly hôn cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, đúng quy định pháp luật nhằm đảm bảo quá trình giải quyết diễn ra thuận lợi. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về HỒ SƠ LY HÔN ĐƠN PHƯƠNG và các vấn đề liên quan qua bài viết dưới đây.

1. Ly hôn đơn phương là gì?

Ly hôn đơn phương là quá trình chấm dứt hôn nhân xuất phát từ yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng mong muốn Tòa giải quyết cho ly hôn, mà không có sự đồng thuận từ hai vợ chồng.

Ly hôn không chỉ là quyết định mang tính pháp lý mà còn là một giai đoạn khó khăn về mặt tâm lý, tình cảm đối với cả hai bên. Người yêu cầu ly hôn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh cũng như cân nhắc kỹ lưỡng về các hệ lụy có thể phát sinh, đặc biệt là đối với con cái nếu có.

2. Điều kiện ly hôn đơn phương là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình và Điều 4 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP về điều kiện ly hôn đơn phương, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Dưới đây là một số lý do được xem là lý do hợp pháp khi đơn phương ly hôn.

Thứ nhất, vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình không chỉ giới hạn ở hành vi xâm hại về thể chất như đánh đập, hành hạ, mà còn bao gồm những tác động tiêu cực về tinh thần, danh dự, nhân phẩm như lăng mạ, chì chiết, cô lập, kiểm soát tài chính hoặc cưỡng ép quan hệ tình dục trái ý muốn. Những hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe của người bị bạo hành, làm suy yếu nền tảng của gia đình. Trong đó, có một số hành vi đáng chú ý như:

  • ­ Bỏ mặc, không quan tâm vợ, chồng;
  • ­ Không nuôi dưỡng, chăm sóc vợ mang thai, vợ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc vợ, chồng không có khả năng tự chăm sóc;
  • ­ Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của vợ, chồng;
  • ­ Ngăn cản vợ, chồng gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh;
  • ­ Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;
  • ­ Kiểm soát tài sản, thu nhập của vợ, chồng nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
  • ­ Cưỡng ép vợ, chồng ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật;
  • ­ Các hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý.

 

Thứ hai, vợ, chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được

Theo quy định Khoản 2 Điều 4 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP, “vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” được giải thích là việc vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người kia. Những vi phạm này có thể bao gồm việc không thực hiện trách nhiệm chung, bỏ bê gia đình, không quan tâm, chăm sóc con cái hoặc tiêu xài, tẩu tán tài sản chung một cách cố ý, gây tổn hại đến quyền lợi hợp pháp của người còn lại. Khi sự vi phạm này dẫn đến mất lòng tin nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống gia đình và khiến mối quan hệ không thể hàn gắn, Tòa án có thể ra phán quyết cho ly hôn nhằm bảo vệ quyền lợi của người yêu cầu.

Khoản 3 Điều 4 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP xác định một số trường hợp thể hiện tình trạng hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể tiếp tục, mục đích hôn nhân không đạt được, bao gồm:

  • ­ Không có tình nghĩa vợ chồng, ví dụ như: Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; vợ, chồng sống ly thân, bỏ mặc vợ hoặc chồng;
  • ­ Vợ, chồng có quan hệ ngoại tình;
  • ­ Vợ, chồng xúc phạm nhau, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tổn thất về tinh thần hoặc gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của nhau;
  • ­ Không bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển.

3. Hồ sơ ly hôn đơn phương gồm những gì?

Khi làm thủ tục khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương, cần chuẩn bị những hồ sơ như sau:

  • ­ Đơn khởi kiện về việc ly hôn;
  • ­ Bản sao chứng thực CCCD của vợ, chồng;
  • ­ Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính càng tốt);
  • ­ Bản sao Giấy khai sinh của con chung (nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết);
  • ­ Đơn trình bày nguyện vọng của con trên 7 tuổi (nếu có);
  • ­ Bản sao chứng thực giấy tờ về tài sản chung, nợ chung (nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết).

4. Nộp hồ sơ ly hôn đơn phương ở đâu?

Theo quy định tại Điều 35 và Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc. Trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài, thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc.

Do đó, trong trường hợp ly hôn đơn phương (không có yếu tố nước ngoài), nguyên đơn - người yêu cầu ly hôn đơn phương phải nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp huyện (Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) nơi bị đơn cư trú hoặc nơi làm việc.

5. Soạn hồ sơ ly hôn đơn phương cần lưu ý gì?

Khi chuẩn bị hồ sơ ly hôn, đương sự cần đảm bảo đầy đủ các tài liệu theo quy định để tránh việc hồ sơ bị trả lại hoặc kéo dài thời gian giải quyết. Dưới đây là một số lưu ý khi soạn hồ sơ ly hôn đơn phương:

Thứ nhất, không được ủy quyền tham gia tố tụng

Theo khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, vợ hoặc chồng không được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng trong vụ án ly hôn. Tuy nhiên, các bên có thể nhờ người khác nộp đơn ly hôn, nộp án phí hoặc thực hiện các thủ tục hành chính khác liên quan. Trong trường hợp không thể trực tiếp tham gia phiên tòa vì lý do chính đáng, đương sự có quyền gửi đơn đề nghị xét xử vắng mặt đến Tòa án để đảm bảo quá trình giải quyết vụ án không bị gián đoạn.

Thứ hai, xác minh nơi cư trú của bị đơn

Theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, hồ sơ ly hôn đơn phương (không có yếu tố nước ngoài) phải được nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của bị đơn, nguyên đơn cần thu thập các giấy tờ, tài liệu liên quan để chứng minh. Nếu bị đơn đi khỏi nơi cư trú mà không rõ địa chỉ, nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án tiến hành xác minh hoặc đăng thông báo tìm kiếm.

Thứ ba, nghĩa vụ nộp án phí và lệ phí

Nguyên đơn có trách nhiệm nộp án phí sơ thẩm theo quy định pháp luật. Trong trường hợp có tranh chấp về tài sản, mức án phí có thể thay đổi tùy theo giá trị tài sản tranh chấp. Nếu nguyên đơn có khó khăn về tài chính, thuộc trường hợp được miễn, giảm án phí thì có thể làm đơn xin miễn hoặc giảm án phí theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, soạn đơn ly hôn đơn phương chính xác và đầy đủ

Khi soạn đơn ly hôn đơn phương, cần đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật, gồm thông tin cá nhân của vợ, chồng; lý do ly hôn; yêu cầu về con chung, tài sản, nghĩa vụ tài chính (nếu có). Kèm theo đơn, cần cung cấp chứng cứ chứng minh tình trạng hôn nhân trầm trọng như tài liệu về bạo lực gia đình, ngoại tình, vi phạm nghĩa vụ vợ chồng…

6. Thời gian giải quyết ly hôn đơn phương là bao lâu?

Thời gian giải quyết ly hôn đơn phương phụ thuộc vào mức độ phức tạp của vụ việc, tranh chấp về tài sản, quyền nuôi con và quy trình xét xử của tòa án. Theo quy định về tố tụng dân sự:

  • ­ Nếu nộp đơn trực tiếp, tòa sẽ cấp giấy xác nhận ngay; nếu gửi qua bưu điện, xác nhận sẽ được gửi trong 2 ngày làm việc;
  • ­ Trong 3 ngày làm việc, tòa xem xét đơn và trong 5 ngày tiếp theo, thẩm phán sẽ đưa ra một trong các quyết định sau: Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn ly hôn; thụ lý vụ án hoặc chuyển đơn cho Tòa có thẩm quyền hoặc trả lại đơn;
  • ­ Khi đơn được xem xét là hợp lệ, nguyên đơn phải nộp tạm ứng án phí trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận thông báo. Sau đó, thẩm phán sẽ thụ lý vụ án trong 3 ngày làm việc;
  • ­ Trong thời gian chuẩn bị xét xử của một vụ ly hôn đơn phương Tòa án có thể đưa đưa ra một trong số các quyết định sau: Công nhận sự thỏa thuận, Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án hoặc Đưa vụ án ra xét xử;
  • ­ Khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử nếu còn vướng mắc thì có thể kéo dài thêm 01 tháng thời gian.

Như vậy, nếu theo thủ tục của pháp luật quy định, một vụ án ly hôn đơn phương sẽ được giải quyết trong thời gian từ 04 đến 06 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian xử lý có thể kéo dài hơn nếu vì lý do bất khả kháng, phát sinh tranh chấp phức tạp, thiếu giấy tờ hoặc cần giám định tài sản, đánh giá tâm lý của con, sự không hợp tác của một hoặc cả hai bên…

7. Án phí ly hôn đơn phương là bao nhiêu?

Thứ nhất, án phí sơ thẩm

  • Đối với tranh chấp hôn nhân và gia đình không có giá ngạch mức án phí sơ thẩm là 300.000 đồng.
  • Đối với tranh chấp hôn nhân và gia đình có giá ngạch, tùy giá trị tài sản, mức án phí phải nộp sẽ khác nhau. Mức án phí cụ thể quy định tại Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, theo đó:
  • Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch, mức án phí:

1.Từ 6.000.000 đồng trở xuống: 300.000 đồng

2. Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 5% giá trị tài sản có tranh chấp

3. Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng

4.Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng

5.Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng

6.Từ trên 4.000.000.000 đồng: 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

Thứ hai, án phí phúc thẩm

Trường hợp bản án bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, mức án phí phúc thẩm là 300.000 đồng.

8. Câu hỏi thường gặp về hồ sơ ly hôn đơn phương

(1) Chồng ở nước ngoài che giấu địa chỉ thì có ly hôn được không?

https://cadn.com.vn/chong-o-nuoc-ngoai-che-giau-dia-chi-thi-co-ly-hon-duoc-khong-post294679.html

(2) Đất được mua từ tiền tặng cho riêng có phải là tài sản chung vợ chồng không?

https://cadn.com.vn/dat-duoc-mua-tu-tien-tang-cho-rieng-co-phai-la-tai-san-chung-vo-chong-khong-post293872.html

(3) Hướng dẫn thủ tục ly hôn với người nước ngoài

https://cadn.com.vn/huong-dan-thu-tuc-ly-hon-voi-nguoi-nuoc-ngoai-post288534.html

(4) Nhà mua trước khi kết hôn nhưng giấy tờ được cấp sau, vậy ly hôn có phải chia tài sản không?

https://cadn.com.vn/nha-mua-truoc-khi-ket-hon-nhung-giay-to-duoc-cap-sau-vay-ly-hon-co-phai-chia-tai-san-khong-post283250.html

(5) Cha có quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn không?

https://cadn.com.vn/cha-co-quyen-nuoi-con-duoi-36-thang-tuoi-khi-ly-hon-khong-post281878.html

(6) Nguyên tắc xác định tài sản riêng và nghĩa vụ trả nợ của vợ chồng

https://youtu.be/ayVz3687F2U?si=a0aYpomO7AONUW0o

(7) Tìm hiểu về quyền nuôi con và thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn

https://danangtv.vn/truyen_hinh-127692-277

(8) Nghĩa vụ trả nợ của vợ chồng khi ly hôn

https://phong-partners.com/hoi-dap/hon-nhan-gia-dinh/nghia-vu-tra-no-cua-vo-chong-khi-ly-hon-1306.html

(9) Điều kiện giành quyền nuôi con khi ly hôn

https://phong-partners.com/hoi-dap/hon-nhan-gia-dinh/dieu-kien-gianh-quyen-nuoi-con-khi-ly-hon-1278.html

(10) Quyền lợi liên quan đến nhà đất khi ly hôn

https://phong-partners.com/hoi-dap/hon-nhan-gia-dinh/quyen-loi-lien-quan-den-nha-dat-khi-ly-hon-1158.html

(11) Quyết định ly hôn của Tòa án chưa có hiệu lực thì vợ có được hưởng di sản thừa kế của chồng?

https://phong-partners.com/quyet-dinh-ly-hon-cua-toa-an-chua-co-hieu-luc-thi-vo-co-duoc-huong-di-san-thua-ke-cua-chong

(12) Cha mẹ ly hôn, con có được hưởng thừa kế pháp luật?

https://phong-partners.com/cha-me-ly-hon-con-co-duoc-huong-thua-ke-theo-phap-luat

(13) Chồng cờ bạc vay nợ, khi ly hôn người vợ có nghĩa vụ trả nợ không?

https://phong-partners.com/chong-co-bac-vay-no-khi-ly-hon-nguoi-vo-co-nghia-vu-tra-no-khong

(14) Ly hôn trước chia tài sản sau có được không?

https://phong-partners.com/ly-hon-truoc-chia-tai-san-sau-co-duoc-khong

 

Zalo