CHỒNG Ở NƯỚC NGOÀI CHE GIẤU ĐỊA CHỈ THÌ CÓ LY HÔN ĐƯỢC KHÔNG?

Tôi kết hôn đã được 3 năm. Sau khi kết hôn, vợ chồng tôi sống tại Quảng Nam. Năm 2022, chồng tôi đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Đầu năm 2023, chồng tôi có gọi điện thoại và nói đã có người mới, mong tôi đừng đợi nữa. Sau lần đó, tôi nhiều lần liên hệ chồng tôi nhưng đều không liên lạc được. Đến nay, tôi không thể liên hệ được và cũng không biết chồng tôi đang ở đâu. Giờ tôi muôn chấm dứt cuộc hôn nhân này. Xin hỏi trường hợp của tôi có thể ly hôn được không?

*Luật sư trả lời

Quan hệ hôn nhân không hạnh phúc, nhất là trong trường hợp một bên có hành vi ngoại tình, thì giải pháp ly hôn thường được lựa chọn để chấm dứt một mối quan hệ, hai bên có thể bắt đầu cuộc sống mới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, có trường hợp một bên cố tình gây khó khăn cho bên kia trong việc thực hiện thủ tục ly hôn, chẳng hạn như che giấu địa chỉ hiện tại, nhất là với các trường hợp có một bên đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Đối với các trường hợp như thế này, một bên làm thế nào để ly hôn với bên kia?

 

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về ly hôn như sau:

“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

 

“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”

 

Theo thông tin chị Nhiên cung cấp về việc chồng chị đã có người khác, có thể hiểu là đã có hành vi ngoại tình, chị Nhiên hoàn toàn có quyền yêu cầu ly hôn mà không cần sự đồng ý của người chồng, hay nói cách khác là chị có quyền đơn phương ly hôn.

Trường hợp người chồng hoặc vợ ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ thì có thể giải quyết theo Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16 tháng 4 năm 2003 như sau:

“II. Đối với các tranh chấp về hôn nhân và gia đình

2. Ly hôn có yếu tố nước ngoài

2.1. Đối với trường hợp công dân Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với công dân Việt Nam đã đi ra nước ngoài

Khi giải quyết loại việc này, cần phân biệt như sau:

b. Trường hợp bên đương sự là bị đơn đang ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức hoặc giấu địa chỉ nên nguyên đơn ở trong nước không thể biết địa chỉ, tin tức của họ, thì giải quyết như sau:

- Nếu bị đơn ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức gì về họ (kể cả thân nhân của họ cũng không có địa chỉ, tin tức gì về họ), thì Toà án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 45 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và giải thích cho nguyên đơn biết họ có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án cấp huyện nơi họ thường trú tuyên bố bị đơn mất tích hoặc đã chết theo quy định của pháp luật về tuyên bố mất tích, tuyên bố chết.

- Nếu thông qua thân nhân của họ mà biết rằng họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước, nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án, cũng như không thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Toà án, thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Toà án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết, thì Toà án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung. Sau khi xét xử Toà án cần gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định để những người này chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trú để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng.”

 

Căn cứ những quy định trên và thông tin chị Nhiên cung cấp, có thể thấy trường hợp của chị Nhiên là người chồng đang cố ý che giấu địa chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện thủ tục yêu cầu ly hôn của chị. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình, chị Nhiên vẫn có quyền nộp đơn yêu cầu ly hôn tại Tòa án nhân dân thẩm quyền (Tòa án cấp tỉnh). Trong quá trình Tòa án giải quyết, nếu chị có địa chỉ của chồng, chị có thể cung cấp; nếu vẫn không có địa chỉ, Tòa án sẽ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Lúc này, chị có thể tiến hành thủ tục khởi kiện yêu cầu Toà án cấp huyện nơi chị Nhiên thường trú (Tòa án nhân dân quận Sơn Trà) tuyên bố người chồng mất tích hoặc đã chết theo quy định của pháp luật về tuyên bố mất tích, tuyên bố chết theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

“Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

2. Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

b) Tòa án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú, bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó, yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết;”

Sau khi Tòa án có quyết định tuyên bố mất tích đối với người chồng, chị Nhiên có quyền thực hiện thủ tục yêu cầu ly hôn và sẽ được Tòa án giải quyết cho ly hôn.

 

Bài viết được đăng trên Báo Công an Đà Nẵng ngày 07/5/2024.

Tin tức liên quan

CÓ ĐƯỢC BÁN NHÀ MÀ KHÔNG CÓ CẦN SỰ ĐỒNG Ý CỦA CHỒNG?

CÓ ĐƯỢC BÁN NHÀ MÀ KHÔNG CÓ CẦN SỰ ĐỒNG Ý CỦA CHỒNG?

Chị Hoàng Diễm Q. hỏi: Tôi kết hôn năm 2019 và đến năm 2020 có mua một căn hộ chung cư tại quận X, giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ đứng tên tôi. Hiện tôi muốn bán căn hộ này để lấy vốn kinh doanh và mua một căn nhỏ hơn ở vùng ven. Tuy nhiên, khi làm thủ tục tại văn phòng công chứng, tôi bị từ chối với lý do cần có sự đồng ý của chồng. Xin hỏi, trong trường hợp này, tôi có bắt buộc phải có sự đồng ý của chồng khi chuyển nhượng căn hộ không? Rất mong được giải đáp.

CHỒNG CỜ BẠC VAY NỢ, KHI LY HÔN NGƯỜI VỢ CÓ NGHĨA VỤ TRẢ NỢ KHÔNG?

CHỒNG CỜ BẠC VAY NỢ, KHI LY HÔN NGƯỜI VỢ CÓ NGHĨA VỤ TRẢ NỢ KHÔNG?

Trong cuộc sống hôn nhân, việc vay nợ là một khía cạnh phổ biến và không tránh khỏi. Có nhiều lý do khiến vợ chồng phải vay nợ, chẳng hạn như mua nhà, mua ô tô, đầu tư kinh doanh, trang trải chi phí hàng ngày, hoặc chi trả các khoản nợ khác. Vậy nếu một bên người chồng vay nợ thì khi ly hôn người vợ có nghĩa vụ trả nợ không?

KHI LY HÔN, VỢ, CHỒNG CÓ CHUYỂN NỢ CHO NHAU ĐƯỢC KHÔNG?

KHI LY HÔN, VỢ, CHỒNG CÓ CHUYỂN NỢ CHO NHAU ĐƯỢC KHÔNG?

Tôi và chồng có khoản vay 500 triệu đồng tại ngân hàng, thế chấp bằng một bất động sản là tài sản chung. Khi ly hôn, chúng tôi thỏa thuận rằng tôi sẽ nhận căn nhà và tự chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ khoản nợ, chồng tôi không còn liên quan. Xin hỏi, thỏa thuận này có phù hợp với quy định pháp luật không? Vợ chồng tôi có thể tiến hành ly hôn khi khoản vay vẫn chưa được tất toán không?

Zalo