CHA CÓ QUYỀN NUÔI CON DƯỚI 36 THÁNG TUỔI KHI LY HÔN KHÔNG?
Anh Bản, ở H.Hoà Vang (TP Đà Nẵng), hỏi: Vợ chồng tôi kết hôn năm 2023 và có một con trai sinh tháng 11/2023. Khi con được 5 tháng tuổi, vợ tôi bỏ đi, để con lại cho tôi nuôi dưỡng và từ đó không hề thăm nom hay hỗ trợ nuôi con. Nay vợ tôi trở về, yêu cầu ly hôn và đòi mang con đi, viện dẫn quy định rằng con dưới 36 tháng tuổi sẽ do mẹ trực tiếp nuôi. Tuy nhiên, con là nguồn động viên lớn nhất của tôi và tôi muốn tiếp tục chăm sóc con. Xin hỏi, trong trường hợp này, tôi có quyền nuôi con không? Tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
*Luật sư trả lời:
Thiên chức cao cả và thiêng liêng của người phụ nữ là làm mẹ. Thiên chức này càng rõ rệt đối với con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, bởi thời điểm này, người mẹ có những khả năng và điều kiện thuận lợi hơn người cha để nuôi dưỡng con. Vì lẽ đó, pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam ưu tiên người trực tiếp nuôi dưỡng con dưới 36 tháng tuổi là người mẹ khi ly hôn. Vậy, người cha có quyền trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau khi ly hôn không?
1. Cha có quyền được nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn không?
Theo quy đinh tại Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, do đó, khi ly hôn, cha hoặc mẹ đều có quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con chưa thành niên. Hiện nay, con của vợ chồng anh Bản đã được 33 tháng tuổi, theo Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, đây là quyền ưu tiên đối với người mẹ, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Cụ thể:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Cũng theo quy định trên, khi ly hôn, trong những trường hợp nhất định, người cha vẫn được quyền nuôi con đối với con dưới 36 tháng tuổi như: một là, cha và mẹ cùng thỏa thuận cha là người trực tiếp nuôi con và thỏa thuận này phù hợp với lợi ích của con, đồng thời không trái pháp luật, không trái đạo đức, thuần phong mỹ tục cũng như phù hợp với lợi ích của con; hai là, người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Thông thường việc đánh giá điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của người mẹ dựa vào các yếu tố sau: công việc hiện tại của người mẹ có ổn định không? Thu nhập hàng tháng có đảm bảo lo được cuộc sống cho mẹ và con, cho quá trình phát triển và giáo dục của con không? Người mẹ có đảm bảo thời gian để chăm sóc con không? Nhân phẩm và đạo đức người mẹ như thế nào? Người mẹ có bị ngược đãi, bạo hành hay không? Và một số điều kiện khác nếu xét thấy cần thiết.
Trong trường hợp của anh Bản, vợ chồng anh không có thoả thuận ai là người trực tiếp nuôi con. Bên cạnh đó, anh cũng không đề cập đến vấn đề vợ anh không có đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Tuy nhiên, theo anh trình bày, sau khi sinh con được 5 tháng, vợ anh đã bỏ nhà đi nơi khác sinh sống, chưa một lần về thăm con, không đóng góp nuôi con. Căn cứ nội dung của Án lệ số 54/2022/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 7-9-2022 là “Trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người mẹ tự ý bỏ đi từ khi con còn rất nhỏ, không quan tâm đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; người con được người cha nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện tốt và đã quen với điều kiện, môi trường sống đó. Trường hợp này, Tòa án phải tiếp tục giao con dưới 36 tháng tuổi cho người cha trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc”. Theo đó, nếu trong quá trình vợ anh bỏ đi, anh đã nuôi dưỡng, chăm sóc con trong điều kiện tốt thì tòa án phải tiếp tục giao con cho anh trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc. Như vậy, khi ly hôn, anh có thể được tòa án giao trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con.
2. Anh Bản cần làm gì để có thể giành được quyền nuôi con khi ly hôn?
Như đã phân tích ở trên, anh Bản có thể được giao trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con khi ly hôn. Tuy nhiên, trước hết vợ chồng anh nên trao đổi, thương lượng kỹ càng về việc ai là người trực tiếp nuôi con trên cơ sở điều kiện, khả năng chăm sóc cho con được tốt nhất. Trường hợp vợ chồng anh không có tiếng nói chung, vợ anh yêu cầu ly hôn và giành quyền nuôi con, lúc này, để đảm bảo giành được quyền trực tiếp nuôi con, anh cần phải chứng minh mình hoàn toàn đủ điều kiện để nuôi con, cụ thể các điều kiện như: về phẩm chất đạo đức, sự yêu thương lo lắng cho con, thu nhập đảm bảo lo cho con, nơi ở ổn định, giáo dục và thời gian dành cho con... Bên cạnh đó, anh phải chuẩn bị những cơ sở để chứng minh vợ anh hoàn toàn không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con tương ứng với các điều kiện trên. tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, do đó, nếu anh chứng minh được mình có đủ điều kiện để đảm bảo quyền lợi tốt nhất về mọi mặt cho con, cả về sự phát triển thể chất và tinh thần mà vợ anh không có khả năng mang đến cho con thì anh hoàn toàn có đủ cơ sở để giành được quyền trực tiếp nuôi con. Ngoài ra, anh cần lưu ý khi giành quyền nuôi con, anh vẫn có thể yêu cầu vợ anh cấp dưỡng nuôi con cho đến khi con trưởng thành; đồng thời người không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền được trông nom, chăm sóc, giáo dục con theo đúng quy định pháp luật.
Bài Viết Nhiều Người Xem
Tin tức liên quan
CÓ ĐƯỢC BÁN NHÀ MÀ KHÔNG CÓ CẦN SỰ ĐỒNG Ý CỦA CHỒNG?
Chị Hoàng Diễm Q. hỏi: Tôi kết hôn năm 2019 và đến năm 2020 có mua một căn hộ chung cư tại quận X, giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ đứng tên tôi. Hiện tôi muốn bán căn hộ này để lấy vốn kinh doanh và mua một căn nhỏ hơn ở vùng ven. Tuy nhiên, khi làm thủ tục tại văn phòng công chứng, tôi bị từ chối với lý do cần có sự đồng ý của chồng. Xin hỏi, trong trường hợp này, tôi có bắt buộc phải có sự đồng ý của chồng khi chuyển nhượng căn hộ không? Rất mong được giải đáp.
CHỒNG CỜ BẠC VAY NỢ, KHI LY HÔN NGƯỜI VỢ CÓ NGHĨA VỤ TRẢ NỢ KHÔNG?
Trong cuộc sống hôn nhân, việc vay nợ là một khía cạnh phổ biến và không tránh khỏi. Có nhiều lý do khiến vợ chồng phải vay nợ, chẳng hạn như mua nhà, mua ô tô, đầu tư kinh doanh, trang trải chi phí hàng ngày, hoặc chi trả các khoản nợ khác. Vậy nếu một bên người chồng vay nợ thì khi ly hôn người vợ có nghĩa vụ trả nợ không?
KHI LY HÔN, VỢ, CHỒNG CÓ CHUYỂN NỢ CHO NHAU ĐƯỢC KHÔNG?
Tôi và chồng có khoản vay 500 triệu đồng tại ngân hàng, thế chấp bằng một bất động sản là tài sản chung. Khi ly hôn, chúng tôi thỏa thuận rằng tôi sẽ nhận căn nhà và tự chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ khoản nợ, chồng tôi không còn liên quan. Xin hỏi, thỏa thuận này có phù hợp với quy định pháp luật không? Vợ chồng tôi có thể tiến hành ly hôn khi khoản vay vẫn chưa được tất toán không?